Văn thư lưu trữ – Sáng 10/9, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử”, một vấn đề cấp thiết trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều báo cáo viên quốc tế đến từ các nước Đức, Nhật, Scotland, New Zeland và các báo cáo viên Việt Nam là các chuyên gia của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Cục Lưu trử Văn phòng TƯ Đảng, Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin Truyền thông…
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh: Trong bối cảnh phát triển vượt bậc của khoa học, tài liệu điện tử là sự quan tâm của các nước khu vực và quốc tế cần các giải pháp nhằm lưu trữ tốt nhất các tài liệu.
Hội thảo lần này diễn ra qua 3 phiên họp với các chủ đề:
Phiên 1: Cơ sở lý luận về tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam chủ trì với các nội dung: Quan điểm, nguyên tắc, yêu cầu bảo đảm tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử; Tính xác thực và giá trị pháp lý của tài liệu lưu trữ điện tử; Quan điểm về tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử và những vấn đề đặt ra.
Phiên 2: Cơ sở thực tiễn đảm bảo tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử do Lưu trữ Quốc gia Singapore chủ trì gồm các nội dung: Kinh nghiệm thực tiễn về đảm bảo tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử ở Lưu trữ quốc gia Singapore; Kinh nghiệm thực tiễn về đảm bảo tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử ở Lưu trữ quốc gia Malaysia; Thực trạng công nghệ thông tin của Việt Nam và việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để bảo đảm tính xác thực của tài liệu điện tử.
Phiên 3:Các giải pháp đảm bảo tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử do Lưu trữ quốc gia Malaysia chủ trì gồm các nội dung: Các biện pháp bảo đảm tính xác thực đối với tài liệu điện tử, kinh nghiệm của Lưu trữ Liên bang Đức; Thời cơ và thách thực đối với việc bảo đảm tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử; Lưu trữ tài liệu điện tử trong các cơ quan Đảng và vấn đề bảo đảm tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử.
Ngoài ra, trong chương trình hội nghị, các đại biểu quốc tế sẽ được tham quan các di sản tư liệu của Việt Nam tại Hà Nội đã được UNESCO công nhận. Đó là 82 bia Tiến sỹ triều Lê, Mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Châu bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.
Chi nhánh khu vực Đông Nam Á thuộc Hội đồng Lưu trữ Quốc tế (SARBICA) là chi nhánh đầu tiên của Hội đồng Lưu trữ Quốc tế được thành lập từ năm 1968 nhằm tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý, bảo quản và khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ giữa các cơ quan lưu trữ trong khu vực. Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch SARBICA nhiệm kỳ 2012 – 2014.